Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.
Hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transportation System) mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống giao thông và người tham gia giao thông nhờ các “khả năng” nổi bật như: Kiểm soát/Thông tin giao thông và tối ưu hóa hiệu suất giao thông; Thu phí không dừng; Kiểm soát xe tải nặng; Hỗ trợ xe buýt liên tỉnh, nội đô; Hỗ trợ đỗ xe thuận tiện; Cải thiện mức độ an toàn giao thông, Tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng ITS đang được triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây tại Việt Nam bởi các động lực chính
01 | Cơ chế chính sách rõ ràng
Việt Nam đã có lộ trình ứng dụng ITS, do Bộ Giao thông vận tải ban hành, được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn đến năm 2015, giai đoạn từ 2015 đến 2020 và giai đoạn từ 2020 đến 2030. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0. Một trong những mục tiêu nổi bật của đề án là đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn trực thuộc trung ương triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, phấn đấu cả nước có 5000 km cao tốc đưa vào khai thác. Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đường bộ khoảng 900.000 tỷ đồng.
02 | Quyết tâm thực hiện cao từ chính quyền địa phương
Hiện nay, tại nhiều tỉnh thành đã và đang khẩn trương đưa xây dựng ITS nhanh chóng và đồng bộ. Tại TP.HCM, trong giai đoạn 2021 – 2025, 7 dự án giao thông thuộc chương trình đô thị thông minh của thành phố sẽ được ưu tiên đầu tư. Đây là các dự án nhằm ứng dụng công nghệ vào việc điều hành, quản lý giao thông trên địa bàn. Không chậm trễ, thủ đô Hà Nội cũng đang khẩn trương xây dựng đề án phát triển giao thông thông minh, trong đó ưu tiên triển khai các nhóm dịch vụ đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho các doanh nghiệp và người dân, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường giao thông. Ngoài ra, tại rất nhiều tỉnh thành khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Nguyên… trong những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ cũng đang từng bước phát triển và được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.
03 | Thực hiện đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc để cải thiện hạ tầng giao thông hiện tại
Trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-30, Chính phủ nêu rõ phát triển cơ sở hạ tầng là ưu tiên hàng đầu để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021-2030, Việt Nam sẽ có lần lượt 3.000 km – 5.000 km đường bộ cao tốc đến năm 2025-2030. Do đó, sẽ cần hoàn thành rất nhiều dự án để đạt được các mục tiêu tham vọng trên, từ đó tạo ra khối lượng công việc lớn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Trên cơ sở đề án đã được phê duyệt trong năm 2022, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các tuyến đường bộ cao tốc và các thành phố lớn triển khai lắp hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh. Chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp trong thị trường ngách này sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong trung, dài hạn từ các dự án ITS của chính phủ bởi vì hiện tại mới chỉ 6/21 cao tốc được lắp đặt hệ thống ITS và dự kiến nếu theo đúng kế hoạch sẽ có thêm 5.000 km đường cao tốc được triển khai hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.