Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.
Gần đây, cuộc cạnh tranh công nghệ bán dẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đang tăng nhiệt. Từ tháng 10/2022, chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố một loạt các chính sách kiểm soát xuất khẩu, nghiêm cấm các công ty Trung Quốc thu mua chip và thiết bị sản xuất chip khi chưa được phép với lí do bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia.
Ngày 03/07 vừa qua, Trung Quốc đã tung ra con át chủ bài khi tuyên bố kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến gallium và germanium, là các nguyên liệu thô quan trọng trong ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.
Ngay sau đó, vào ngày 04/07, các cổ phiếu thuộc nhóm ngành liên quan của Trung Quốc đồng loạt tăng ngay sau khi mở phiên giao dịch, cao nhất tăng đến 10%. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị tác động khi các cổ phiếu liên quan đến tiêu thụ sản phẩm ICT (Công nghệ thông tin và truyền thông) đồng loạt tăng liên tiếp trong một tuần trở lại đây, thậm chí đã có những phiên tăng trần. Trong các số trước, Kirin Views đã từng phân tích về hai ông lớn trong ngành bán lẻ ICT là MWG và FPT. Tại số này, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa nhà đầu tư đến gần hơn với câu chuyện thành công của công ty phân phối ICT thuộc top đầu Việt Nam – Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld – DGW).
01 Cung cấp dịch vụ trọn gói cho thương hiệu
Công ty cổ phần Thế giới số được thành lập năm 1997, chủ yếu kinh doanh các sản phẩm linh kiện điện tử. Năm 2001, công ty chính thức phân phối các sản phẩm máy tính cho Acer của Trung Quốc. Đến năm 2003, DGW bắt đầu phân phối máy in cho Lexmark, một thương hiệu máy in đến từ Mỹ.
Tuy nhiên trong cả hai thương vụ hợp tác này, Digiworld nhận thấy vai trò của mình không chỉ đơn thuần dừng ở phân phối sản phẩm, mà có thể tận dụng ưu thế của công ty và sự am hiểu về thị trường để giúp khách hàng gia tăng thị phần. Từ đó, Digiworld đã thiết lập nên công thức đem lại sự thành công cho công ty và thương hiệu hợp tác – Dịch vụ mở rộng thị trường (MES) – nhằm hiện thực hóa cơ chế đôi bên cùng có lợi.
MES cung cấp dịch vụ toàn diện cho các thương hiệu hợp tác khi muốn thâm nhập thị trường mới hoặc gia tăng thị phần tại thị trường hiện hữu, bao gồm 5 mảng chính:
1. Phân tích và lập kế hoạch thị trường;
2. Tiếp thị;
3. Nhập khẩu, kho bãi và hậu cần;
4. Phân phối và bán hàng;
5. Dịch vụ hậu mãi.
Cơ chế đồng lợi được thể hiện ở chỗ, đối với Digiworld, MES không chỉ tăng doanh thu công ty mà còn là công cụ diễn tập cho mục tiêu mở rộng kinh doanh sang những ngành khách ngoài ICT nhanh hơn, thuận lợi hơn. Digiworld là nhà phân phối ICT đầu tiên và cũng là duy nhất đến thời điểm hiện tại cung cấp dịch vụ MES.
02 Từng bước nâng cao vị thế đầu ngành
Nhờ kiên trì với dịch vụ MES, công ty luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, điển hình là doanh thu CARG giai đoạn 2012-2022 đạt 26,3%. Đặc biệt trong hai năm dịch bệnh, nhu cầu sử dụng máy tính và thiết bị di động cho mục đích học tập online tăng cao đã tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm này, lần lượt đạt 67% và 48%. Ngoài ra, tính năng của điện thoại không ngừng được nâng cao và internet phát triển khiến nhu cầu sử dụng điện thoại di động của người dân ngày một tăng. Vị trí đầu trong tỷ trọng cơ cấu doanh thu sản phẩm đã chuyển dịch từ máy tính bảng và máy tính xách tay sang các thiết bị di động. Xếp thứ ba trong cơ cấu doanh thu sản phẩm là thiết bị văn phòng mặc dù đã có sự sụt giảm từ 19,7% vào năm 2017 xuống còn 15,1% vào 2022.
Cụ thể đối với mảng điện thoại di động, Digiworld bắt đầu phân phối từ năm 2013 cho tới nay, chủ yếu hợp tác với 4 thương hiệu Apple, Xiaomi, Huawei và TCL, bao gồm cả thiết bị đầu cuối của IOS và Android. Ngoài ra, Digiworld cũng là công ty duy nhất vận hành hệ thống cửa hàng bán lẻ online – offline của Xiaomi và Huawei ở thị trường Việt Nam. Dòng điện thoại này chiếm 48,7% doanh thu của Digiworld và chiếm 15% thị phần điện thoại di động Việt Nam.
Máy tính bảng và máy tính xách tay chiếm 31,9% doanh thu của Digiworld và chiếm 40% thị phần tại Việt Nam. Các thương hiệu hợp tác đa số là thương hiệu quốc tế lớn như HP, Dell, Asus, Lenovo, Apple,… Tương tự điện thoại di động, kênh phân phối của mặt hàng này cũng bao gồm các kênh truyền thống (cửa hàng kinh doanh hộ gia đình) và kênh hiện đại: cửa hàng viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobiphone), hệ thống cửa hàng bán lẻ (Thegioididong, FPT Shop), kênh thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki), v.v.
Kirin Capital đã tiến hành so sánh doanh thu bán hàng về các lĩnh vực liên quan của hai công ty phân phối ICT đầu ngành là Digiworld và PET. Theo đó, năm 2019, doanh thu bán hàng mảng ICT của Digiworld đã vượt qua PET và khoảng khách ngày càng được thu hẹp. Qua phân tích, chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính dưới đây:
1, Dịch vụ trọn gói MES đã giúp Digiworld có được niềm tin và sự lựa chọn từ các thương hiệu. Sau hơn 20 năm kiên trì với MES, Digiworld đã có hơn 30 thương hiệu nước ngoài tin dùng dịch vụ này.
2. Doanh thu sản phẩm điện thoại di động năm 2019 của Digiworld tăng trưởng 66% so với cùng kì, trong đó có đóng góp không nhỏ từ Xiaomi. Digiworld ngay từ năm 2014 đã cung cấp dịch vụ MES cho Xiaomi, đến năm 2017 chính thức nắm được chứng nhận phân phối độc quyền của thương hiệu này, không ngừng nỗ lực giúp Xiaomi nâng cao thị phần. Quả ngọt đầu tiên đến vào năm 2019 khi thị phần Xiaomi lần đầu vượt 10%, tới năm 2022 đạt 14,8% – xếp thứ ba toàn ngành (Đứng đầu là Samsung 36,6%, thứ hai là Oppo 20,4%, và thứ tư là Apple 13,1%).
03 Phân phối độc quyền là con dao hai lưỡi?
Như đề cập ở trên, Digiworld đã được nâng tầm vị thế nhờ phân phối độc quyền cho Xiaomi, tất nhiên cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực và năng lực của Digiworld trong quá trình giúp Xiaomi gia tăng thị phần nhanh chóng. Tuy nhiên đến đầu năm 2022, Xiaomi đã ký kết thỏa thuận hợp tác cho phép Synnex FPT phân phối các sản phẩm của Xiaomi tại thị trường Việt Nam, phá vỡ vị trí độc quyền của Digiworld. Thông tin này ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư khiến cổ phiếu DGW giảm sàn liên tiếp ba phiên.
Sở dĩ nhà đầu tư có phản ứng mãnh liệt như vậy là do trước đó, vào năm 2015, doanh thu của Digiworld từng sụt giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân chính đến từ việc doanh thu hãng điện thoại Nokia (chiếm 50% tổng doanh thu Digiworld) giảm 64%, thậm chí từ năm 2016 không còn đóng góp doanh thu cho Digiworld. Vì vậy, sự lo lắng của nhà đầu tư về hiệu quả hoạt động của Digiworld khi mất đi thế độc quyền phân phối với Xiaomi là hoàn toàn có cơ sở.
Trước tình hình này, CEO của Digiworld đã thẳng thắn chấp nhận và bày tỏ sự thấu hiểu. Ông cho rằng ở thời điểm đầu, Digiworld đã giúp các nhà sản xuất khám phá và tạo nên tên tuổi của họ. Bước tiếp theo là thúc đẩy doanh số và tăng tốc độ bao phủ thị trường. Việc các nhà sản xuất có thêm nhà phân phối cũng đánh dấu sự trưởng thành của họ trên thị trường mà Digiworld đã khai phá thành công.
CEO Digiworld cũng phân tích sự khác biệt giữa hai lần hợp tác của Digiworld với Nokia và Xiaomi. Đầu tiên, quy mô công ty hiện tại đã lớn hơn rất nhiều. Xiaomi chỉ đóng góp 35% vào tổng doanh thu năm 2021, và Digiworld vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm. Thứ hai, Nokia thời điểm đó trực tiếp biến mất khỏi thị trường (Nokia đã bán mảng kinh doanh điện thoại di động cho Microsoft và thay đổi chiến lược kinh doanh để tập trung phát triển phần mềm thay vì điện thoại di động). Về phần Xiaomi, hãng vẫn sản xuất và bán điện thoại, và khi thị phần của thương hiệu này tăng lên, doanh thu của công ty từ Xiaomi sẽ tăng theo.
04 Công thức quen thuộc để phát triển: mở rộng theo chiều ngang
Trong phần đầu tiên chúng tôi đã phân tích, MES giúp Digiworld có khả năng mở rộng nghiệp vụ kinh doanh sang các lĩnh vực khác. Công ty cũng đã hoàn thiện nền tảng MES trong năm 2016 và chính thức tham gia vào lĩnh vực hàng tiêu dùng năm 2017, bao gồm sản phẩm bảo vệ sức khỏe và hàng tiêu dùng nhanh.
Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe bao gồm sản phẩm dành cho nam giới, sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm bảo vệ sức khỏe tim mạch, tiêu hóa, xương khớp và cả tâm lí.
Về mảng hàng tiêu dùng nhanh, Digiworld hiện tại là công ty phân phối độc quyền cho tập đoàn quốc tế Lion Nhật Bản, các mặt hàng phân phối bao gồm sản phẩm vệ sinh răng miệng (chiếm thị phần số 1 tại Nhật Bản), xà phòng (thị phần lớn nhất Nhật Bản), sản phẩm giặt xả quần áo (thị phần lớn thứ 2 Nhật Bản) và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác. Cuối năm 2022, Digiworld còn hợp tác với công ty nước giải khát và sản xuất rượu bia lớn nhất thế giới (các thương hiệu trực thuộc gồm Budweiser, Corona,…), chính thức gia nhập lĩnh vực đồ uống. Ngay sau đó, công ty đã ký hợp đồng với Lotte Chilsung – một trong những nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất tại Hàn Quốc để phân phối các loại nước trái cây và soda sữa cho trẻ em.
Không dừng lại ở đó, Digiworld tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực thiết bị gia dụng. Cuối năm 2021, công ty đã ký độc quyền phân phối MES với Whirlpool, một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu với doanh số bán hàng năm 2020 đạt 19 tỷ USD. Đầu năm 2023, Digiworld ký kết với thương hiệu thiết bị gia dụng Westinghouse của Mỹ để cân bằng khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ICT có sự giảm sút.
Qua so sánh, hàng tiêu dùng có đơn giá thấp hơn, vì vậy dù tăng trưởng đều qua các năm nhưng mảng này chỉ chiếm 1,8% tổng doanh thu công ty. Mặt khác, thiết bị gia dụng có đơn giá cao hơn, nên dù Digiworld mới tham gia vào cuối năm 2021, doanh thu năm 2022 của ngành này đã vượt qua hàng tiêu dùng, chiếm 2,5% tổng doanh thu.
Song xét về tổng thể, tước bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, dù là sản phẩm thiết bị gia dụng hay sản phẩm tiêu dùng thì trong ngắn hạn cũng không thể giúp Digiworld duy trì tốc độ tăng trưởng bùng nổ như thời điểm sự kiện “thiên nga đen” diễn ra.
Kirin Capital là công ty đầu tư vốn cổ phần có trụ sở tại Hà Nội, tập trung vào nghiên cứu và đầu tư tại Việt Nam. Các thành viên chủ chốt của công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc và hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư thực tế tại Việt Nam. Công ty đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tiêu dùng, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, công ty cũng đầu tư vào tất cả các giai đoạn đầu tư vốn cổ phần bao gồm đầu tư hạt giống, đầu tư rủi ro, đầu tư vốn tư nhân, đầu tư vào công ty niêm yết và đầu tư mua lại.
Với tầm nhìn “Know Vietnam, Long Vietnam”, thông qua kinh nghiệm tài chính phong phú và các nguồn lực địa phương, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành người tiên phong dẫn đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam, cùng nhau chia sẻ lợi ích từ sự phát triển nhanh chóng mà Việt Nam mang lại.
Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào về thị trường Việt Nam hoặc muốn tham gia chương trình Kirin Views của chúng tôi để chia sẻ các thông tin về thị trường Việt Nam và lan tỏa tiếng nói của bạn một cách rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY