Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.
01 | Các công ty niêm yết có các phương pháp huy động vốn nào?
Phát triển doanh nghiệp đòi hỏi sự hỗ trợ liên tục từ vốn; trước khi một doanh nghiệp phát triển đến mức có thể huy động vốn từ công chúng, thường tiến hành một số phương pháp để huy động vốn cổ phần tư nhân và các phương thức huy động vốn tương đối linh hoạt. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp lần đầu niêm yết (IPO), do thông tin cần công khai minh bạch, để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chịu sự quản lý chặt chẽ của Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước, việc huy động vốn trở nên thận trọng hơn, chủ yếu các phương thức huy động vốn bao gồm:
- Vay vốn ngân hàng: Dùng tài sản công ty để thế chấp hoặc thông qua uy tín của công ty để tiến hành làm thủ tục vay vốn ngân hàng.
- Phát hành trái phiếu: Tiến hành phát hành trái phiếu cho một số cá nhân hoặc tổ chức để huy động vốn.
- Phát hành cổ phiếu ra công chúng: Tiến hành huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường.
- Phát hành cổ phiếu riêng lẻ: Huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho một số cá nhân hoặc tổ chức cụ thể.
Trong 4 phương thức huy động vốn kể trên, 3 phương thức đầu tiên đều khá dễ nhận được sự công nhận của công chúng, chỉ có duy nhất phương thức thứ 4 là vẫn còn gây ra khá nhiều tranh cãi trên thị trường.
Phát hành riêng lẻ là gì?
Phát hành riêng lẻ là việc một công ty niêm yết phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư hoặc tổ chức cụ thể để huy động vốn và tăng vốn cho công ty.
Có nhận định cho rằng Phát hành riêng lẻ là không công bằng? Những thành kiến của các nhà đầu tư Việt Nam về Phát hành riêng lẻ
Hiện nay, trên thị trường phát hành riêng lẻ của Việt Nam nhìn chung có một số quan điểm:
- Giá phát hành riêng lẻ thấp hơn nhiều so với giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường và tiềm năng tăng trưởng của công ty, gây ảnh hưởng xấu đối với lợi ích của cổ đông vừa và nhỏ, vì vậy được cho là không công bằng;
- Số lượng cổ phần của Phát hành riêng lẻ chiếm tỉ lệ khá lớn, gây ra sự pha loãng cổ phiếu đối với cổ đông vừa và nhỏ.
- Đối tượng của Phát hành riêng lẻ chủ yếu là lãnh đạo của công ty và các cổ đông lớn, các cổ đông vừa và nhỏ không thể tham gia, tồn tại mối lo ngại về thao túng cổ phiếu, không bảo đảm quyền và lợi ích bình đẳng giữa các cổ đông;
- Thời gian công bố về việc Phát hành riêng lẻ khá gấp, thêm nữa là việc các phương án liên tục sửa đổi, không thể đảm bảo tính minh bạch, chuẩn xác, kịp thời của thông tin.
02 | Vì sao thị trường lại tồn tại những quan điểm này?
Thứ nhất, thị trường vốn Việt Nam hiện đang ở giai đoạn sơ khai và cần được nâng cao mức độ phổ biến, hầu hết các nhà đầu tư vẫn là nhà đầu tư thế hệ đầu tiên và còn tương đối ít tiếp xúc với kiến thức đầu tư;
Thứ hai, mặc dù luật pháp và quy định về thị trường vốn của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn cần tiếp tục được cải thiện toàn diện đối với hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Thứ ba, điều quan trọng nhất là trong những năm gần đây, thị trường vốn Việt Nam, đặc biệt là thị trường phát hành riêng lẻ có tính bất thường, các công ty niêm yết chưa có hệ thống định giá chặt chẽ khi thực hiện phát hành riêng lẻ, đối tượng phát hành chủ yếu là cổ đông lớn. Phương án phát hành và sử dụng vốn không được thực hiện. Công ty chưa tận dụng hết nguồn vốn từ phát hành riêng lẻ để phát triển, mở rộng doanh nghiệp, khiến giá trị doanh nghiệp giảm thay vì tăng, hoặc sự phát triển của doanh nghiệp kém hơn so với phương án phát hành riêng lẻ đề ra ban đầu…, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, lợi ích của các cổ đông và làm gia tăng phản ứng tiêu cực của các cổ đông vừa và nhỏ đối với việc phát hành riêng lẻ ở một mức độ nhất định.
Vậy khi nhìn lại, mục đích ban đầu hay mục đích chính của việc phát hành riêng lẻ là gì?
- Mở rộng quy mô vốn: Các công ty niêm yết cần nguồn vốn lớn để mở rộng hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh, lúc này, họ có thể tăng quy mô vốn thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ.
- Cải thiện tỉ lệ nợ: Các công ty niêm yết có thể cải thiện tỷ lệ nợ thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, từ đó giảm rủi ro tài chính.
- Tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư tổ chức: Công ty niêm yết có thể tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư tổ chức vào công ty thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ, cải thiện quản trị doanh nghiệp và sử dụng hệ sinh thái của các đối tác chiến lược để phát triển hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Như đã đề cập ở trên, phát hành riêng lẻ là một hình thức huy động vốn sau khi công ty niêm yết, mục đích chính là huy động vốn để cải thiện hoạt động của công ty, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và giảm chi phí hoạt động về mọi mặt, nhằm đạt được sự phát triển bền vững cho công ty.
Vậy làm thế nào để loại bỏ những thành kiến về nhận thức trong lĩnh vực này?
Chúng tôi nghĩ cần phải làm một số việc sau:
- Hoàn thiện pháp luật và các quy định, đặc biệt là trong phát hành riêng lẻ, chuẩn hóa và cải thiện các thông tin tương ứng như giá phát hành, phương án phát hành, điều kiện tham gia của cổ đông, thời gian hạn chế chuyển nhượng sao cho công khai, công bằng và khách quan nhất có thể đối với tất cả người tham gia hoặc các bên liên quan.
- Phổ cập kiến thức cho thị trường. Quy mô thị trường hiện tại còn nhỏ, phát hành riêng lẻ vẫn là một phương thức tài trợ thích hợp và việc công khai truyền thông về phương thức này còn chưa đủ rộng rãi. Các tổ chức tài chính, cơ quan quản lý và những người tham gia thị trường vốn khác cần tiến hành truyền đạt kiến thức đến thị trường nhiều hơn.
- Trong việc giám sát các công ty niêm yết, cơ quan quản lý cần thận trọng hơn khi phê duyệt các thương vụ phát hành riêng lẻ, cần đánh giá một cách cẩn trọng chi tiết phương án phát hành và nỗ lực bảo vệ lợi ích của các cổ đông vừa và nhỏ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển của công ty. Sau khi phát hành, tiến hành giám sát, theo dõi việc sử dụng vốn của doanh nghiệp để đảm bảo nguồn vốn đang được sử dụng vốn hiệu quả, tạo môi trường thị trường tốt.
- Các công ty niêm yết đặc biệt cần chú ý đến nội tại của doanh nghiệp, cần đưa ra những đánh giá trung thực và hiệu quả dựa trên tình hình vốn và điều kiện dự án của mình, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn huy động để tạo ra giá trị bền vững và lợi nhuận cho các cổ đông doanh nghiệp. Đồng thời khi huy động vốn, cần phải xem xét bảo vệ quyền lợi công bằng cho tất cả các nhóm cổ đông bao gồm các cổ đông lớn và các cổ đông vừa và nhỏ.
Chỉ cần các bên cùng hợp tác, chúng tôi có lý do để tin rằng sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.
Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào về thị trường Việt Nam hoặc muốn tham gia chương trình Kirin Views của chúng tôi để chia sẻ các thông tin về thị trường Việt Nam và lan tỏa tiếng nói của bạn một cách rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY